Giáo dục – đào tạo hiện nay trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và những diễn biến nhanh chóng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cùng với yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục – đào tạo, đòi hỏi người giảng viên đại học phải có năng lực mới, phẩm chất mới để đáp ứng yêu cầu mới, nhiệm vụ mới. Vì vậy đào tạo, bồi dưỡng giảng viên đại học nói chung và đào tạo, bồi dưỡng giảng viên đại học ở trình độ thạc sĩ, tiến sĩ nói riêng trong bối cảnh hiện nay là cấp thiết, quan trọng hơn bao giờ hết.
Từ năm 2018, Thành uỷ TP.HCM tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nhiều chương trình căn cứ theo chương trình hành động số 19-CTrHD/TU ngày 31/10/2016 về thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X về chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giai đoạn 2016 – 2020 và Quyết định số 2459-QĐ/TU ngày 23 tháng 10 năm 2013 của Ban Thường vụ Thành ủy Tp. Hồ Chí Minh về ban hành Quy chế Chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ của Thành phố, để góp phần nâng cao chất lượng nguồn lực.
Nhu cầu này không chỉ thu hẹp trong phạm vi Thành phố mà còn là nhu cầu chung của nhiều địa phương lân cận. Việc mở ngành đào tạo đã được xác định trong phương hướng, kế hoạch phát triển của Trường Đại học Sài Gòn đến năm 2025 và tầm nhìn năm 2035 và cũng đã được Hội đồng trường quyết nghị thông qua.
Từ năm 2014, Trường Đại học Sài Gòn được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép đào tạo sau đại học (với 4 chuyên ngành đào tạo ở trình độ thạc sĩ). Để đáp ứng yêu cầu quản lý hoạt động đào tạo sau đại học, ngày 31 tháng 3 năm 2015, Hiệu trưởng Trường Đại học Sài Gòn đã ban hành Quyết định số 558/QĐ-ĐHSG-TCCB thành lập Phòng Đào tạo sau đại học trên cơ sở chia tách Phòng Quản lý khoa học và Sau đại học.
Phòng Đào tạo sau đại học là đơn vị có chức năng: trực tiếp chịu trách nhiệm tham mưu và giúp Hiệu trưởng trong công tác tổ chức và quản lý toàn diện hoạt động đào tạo sau đại học của Trường, bao gồm công tác tuyển sinh, tổ chức xây dựng và phát triển chương trình đào tạo, quản lý quá trình đào tạo, xây dựng các đề án mở mã ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đến nay, Trường đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép đào tạo sau đại học ở trình độ thạc sĩ với 12 ngành và trình độ tiến sĩ với 7 ngành đào tạo.
Phòng Đào tạo sau đại học hiện có 11 cán bộ, chuyên viên; trong đó có 01 Giáo sư, 01 Phó giáo sư, 02 tiến sĩ, 02 nghiên cứu sinh, 04 thạc sĩ và 01 cử nhân đang hoàn thành chương trình đào tạo thạc sĩ.
Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011 – 2020 đã khẳng định: giải pháp đột phá để phát triển giáo dục giai đoạn 2011 – 2020 là đổi mới giáo dục và giải pháp then chốt là phát triển đội ngũ nhà giáo và giảng viên đại học.
Chiến lược phát triển chung của trường Đại học Sài Gòn đã nêu rõ về sứ mạng, tầm nhìn và mục tiêu, trong đó xác định đến năm 2025, Trường Đại học Sài Gòn có thứ hạng cao trong tầng cơ sở giáo dục đại học định hướng ứng dụng và đến năm 2035, Trường Đại học Sài Gòn cơ bản hoàn tất một số bước chuẩn bị cho trường đại học định hướng nghiên cứu; tiếp cận chuẩn chương trình và cơ sở giáo dục quốc tế.
Như vậy, có thể thấy định hướng tương lai của Trường Đại học Sài Gòn là một trường đại học theo định hướng ứng dụng và nghiên cứu, do đó việc đánh giá và cập nhật CTĐT thạc sĩ của chuyên ngành Toán Giải tích theo định hướng ứng dụng và nghiên cứu đáp ứng được yêu cầu theo các bước phát triển chung của Nhà trường đến năm 2035.
Nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao nói chung và trình độ thạc sĩ, tiến sĩ nói riêng cho Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng cấp thiết. Trong đó, nguồn nhân lực có trình độ thạc sĩ về chuyên ngành Toán giải tích là một trong những điều kiện quan trọng để có thể thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục – đào tạo của Thành phố Hồ Chí Minh.
Trường Đại học Sài Gòn đã có đủ điều kiện về đội ngũ giảng viên, cán bộ khoa học cơ hữu, cơ sở vật chất (thiết bị phục vụ đào tạo, thư viện,…) và kinh nghiệm giảng dạy, nghiên cứu, tổ chức, quản lí để có thể xây dựng chương trình đào tạo, tổ chức đào tạo trình độ thạc sĩ và tiến sĩ, chuyên ngành Toán giải tích.
Lĩnh vực Toán học nói chung và Toán giải tích nói riêng có nhiều ứng dụng quan trọng trong nhiều ngành khoa học và kĩ thuật như vật lí, cơ học, thiên văn học, địa vật lí,… Vì vậy, việc đào tạo, bồi dưỡng giảng viên có chuyên ngành Toán ở trình độ thạc sĩ lại càng cấp thiết và có ý nghĩa quan trọng vì đội ngũ giảng viên này là trụ cột của ngành giáo dục và đào tạo tạo tiền đề cho các ngành khoa học kĩ thuật khác đồng hành và phát triển. Hơn nữa, đào tạo ngành Toán giải tích ở trình độ thạc sĩ, tiến sĩ chính là giải pháp cho nhu cầu về cán bộ giảng viên, nghiên cứu viên có kiến thức lí thuyết chuyên sâu về Giải tích; có kĩ năng, có trình độ cao về nghiên cứu các vấn đề xuất phát từ thực tế hoặc nội tại của ngành Toán; có khả năng làm việc độc lập, sáng tạo và có năng lực phát hiện, nghiên cứu, giải quyết các vấn đề.
Khoa Toán – Ứng dụng thuộc trường Đại học Sài Gòn, được thành lập vào tháng 10 năm 2010, là một trong những cơ sở đào tạo có uy tín và chất lượng trong lĩnh vực Toán học, bao gồm ngành Sư phạm Toán học và Toán ứng dụng hệ đại học chính quy. Tính đến tháng 12 năm 2023, Khoa Toán – Ứng dụng gồm có 36 cán bộ, giảng viên cơ hữu; các giảng viên của Khoa đều có trình độ từ thạc sĩ trở lên, trong đó ngoài ngoài 03 chuyên viên văn phòng, 33 giảng viên còn lại bao gồm 01 giáo sư, 09 phó giáo sư, 13 tiến sĩ, 10 thạc sĩ trực thuộc 5 bộ môn: Giải tích, Đại số, Lý luận và Phương pháp dạy học bộ môn Toán, Toán kinh tế và Toán – Tin ứng dụng. Giảng viên Khoa còn tích cực tham gia học tập nâng cao trình độ và nghiên cứu khoa học qua các đề tài nghiên cứu cấp Bộ, đề tài cấp Nhà nước, NAFOSTED, công bố các bài báo trên các tạp chí chuyên ngành quốc tế có uy tín.
Các giảng viên của Khoa Toán – Ứng dụng được đào tạo từ các trường đại học trên thế giới và những trường đại học lớn của Việt Nam, có khả năng tham gia vào quá trình đào tạo và nghiên cứu khoa học cơ bản tốt.
Hiện tại, Khoa Toán – Ứng dụng tham gia đào tạo 02 chương trình cao học chuyên ngành Toán giải tích và Lý luận và phương pháp dạy học bộ môn Toán và 01 chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ ngành Toán giải tích.
Tính đến tháng 12 năm 2023, Khoa Toán – Ứng dụng phối hợp cùng phòng Đào tạo Sau đại học đã tuyển sinh được 16 khóa đào tạo trình độ Thạc sĩ với tổng quy mô học viên của các khóa là 602 học viên, trong đó có 308 học viên đã tốt nghiệp và 294 học viên đang theo học tại Trường. Riêng đối với Thạc sĩ chuyên ngành Toán Giải tích là 263 học viên đăng kí nhập học, trong đó số lượng học viên đã tốt nghiệp là 155 học viên và 108 học viên đang theo học tại trường. Trong hai năm gần đây, hơn 90% số sinh viên ngành toán của Trường Đại học Sài Gòn tốt nghiệp có việc làm ổn định.
Khoa Toán – Ứng dụng luôn quan tâm đến việc xây dựng môi trường để học viên chủ động học tập và rèn luyện, tạo điều kiện hỗ trợ tối đa cho học viên trong suốt quá trình đào tạo về phẩm chất đạo đức, kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp và kỹ năng sống thông các bộ phận của phòng Đào tạo Sau đại học. Chuyên ngành thường xuyên tổ chức được nhiều hoạt động khoa học như báo cáo chuyên đề, seminar, hội thảo khoa học cấp Khoa và cấp trường nhằm tạo điều kiện cho học viên tham gia, giao lưu học hỏi nâng cao năng lực nghiên cứu và trình độ chuyên môn của bản thân. Ngoài ra, chuyên ngành thường xuyên giới thiệu các học bổng, cơ hội học tập nâng cao trình độ ở nước ngoài như Mỹ, Úc,… đến các học viên của chuyên ngành có năng lực chuyên môn đáp ứng được yêu cầu.
Với môi trường giáo dục, đào tạo có tương tác, kết hợp nghiên cứu khoa học, người học được phát huy tối đa tính sáng tạo, hiểu biết và kỹ năng của mình trong quá trình đào tạo để đạt được những thành công sau khi tốt nghiệp. Bên cạnh đó, Khoa Toán – Ứng dụng thường xuyên trao đổi với các nhà tuyển dụng, cựu học viên nhằm điều chỉnh các CTĐT phù hợp với thực tiễn xã hội. Sau tốt nghiệp, học viên theo học ngành Toán Giải tích có nhiều cơ hội việc làm trong các cơ sở giáo dục hoặc các công ty, doanh nghiệp, cũng như có thể tiếp tục nghiên cứu khoa học và nâng cao trình độ.
Giới thiệu chương trình đào tạo
Tên chương trình đào tạo: Chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ chuyên ngành Toán giải tích
Chương trình đào tạo được xây dựng theo định hướng ứng dụng.
- Các học phần thạc sĩ: 45 tín chỉ
- Thực tập: 06 tín chỉ
- Đề án: 09 tín chỉ
Tổng số tín chỉ tối thiểu phải tích lũy: 60 tín chỉ, cụ thể như sau:
NỘI DUNG | TỔNG SỐ TÍN CHỈ | SỐ TÍN CHỈ BẮT BUỘC | SỐ TÍN CHỈ TỰ CHỌN |
Khối kiến thức cơ sở ngành và chuyên ngành | 45 | 17 | 28 |
Thực tập | 6 | 6 | 0 |
Đề án tốt nghiệp | 9 | 9 | 0 |
Tổng số tín chỉ tích lũy tối thiểu | 60 | 32 | 28 |
Chương trình đào tạo được xây dựng theo định hướng nghiên cứu.
- Các học phần thạc sĩ: 09 tín chỉ
- Nghiên cứu khoa học: 24 tín chỉ
- Đồ án, dự án, chuyên đề nghiên cứu: 12 tín chỉ
- Luận văn: 15 tín chỉ
Tổng số tín chỉ tối thiểu phải tích lũy: 60 tín chỉ, cụ thể như sau:
NỘI DUNG | TỔNG SỐ TÍN CHỈ | SỐ TÍN CHỈ BẮT BUỘC | SỐ TÍN CHỈ TỰ CHỌN |
Khối kiến thức cơ sở ngành và chuyên ngành, nghiên cứu khoa học | 45 | 17 | 28 |
Luận văn thạc sĩ | 15 | 15 | 0 |
Tổng số tín chỉ tích lũy tối thiểu | 60 | 32 | 28 |
Yêu cầu của luận văn thạc sĩ: Luận văn phải đáp ứng được các yêu cầu quy định tại Khoản 2, Điều 26 của Thông tư số 15/2014/TT-BGDĐT ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về ban hành Quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ.
Thông tin chung
Các thông tin chung về CTĐT được cho ở Bảng 1
Bảng 1. Thông tin chung về CTĐT
1.Tên gọi: | Chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ theo định hướng ứng dụng/Nghiên cứu, chuyên ngành Toán giải tích |
2. Bậc: | Thạc sĩ |
3. Loại bằng: | Thạc sĩ |
4. Loại hình đào tạo: | Chính quy |
5. Thời gian: | 2 năm |
6. Số tín chỉ: | 60 tín chỉ |
7. Khoa quản lý: | Khoa Toán – Ứng dụng |
8. Ngôn ngữ: | Tiếng Việt |
9. Website: | http://dtsdh.sgu.edu.vn |
10. Facebook: | https://www.facebook.com/analysis.mathematical.5 |
Mục tiêu của chương trình đào tạo (POs)
Chương trình nhằm đào tạo thạc sĩ ngành Toán Giải tích theo định hướng ứng dụng/ Nghiên cứu có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, kiến thức cơ sở, kiến thức chuyên môn vững vàng, có kỹ năng nghề nghiệp, có tinh thần trách nhiệm với xã hội; cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu cho xã hội và từng bước đạt chuẩn quốc tế.
Cơ hội việc làm, nghiên cứu khoa học và học tập sau đại học
Học viên sau khi tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành Toán Giải tích định hướng ứng dụng/nghiên cứu có thể thực hiện các công việc, nghiên cứu khoa học:
Tùy thuộc năng lực thực sự của mỗi cá nhân sau khi ra trường mà Thạc sĩ Toán Giải tích đảm nhận vị trí công việc nào, cụ thể có thể trở thành:
– Nghiên cứu viên trong các cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu: phân tích và giải quyết các bài toán trong thực tế; lập kế hoạch nghiên cứu, xây dựng và thực hiện chiến lược nghiên cứu.
– Giảng viên trong các cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu: thực hiện công tác giảng dạy ở bậc đại học, cao đẳng; công tác nghiên cứu khoa học trong các cơ sở giáo dục đại học.
– Giảng viên giảng dạy bộ môn Toán ở các trường phổ thông sau khi đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của luật viên chức về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, …
Bên cạnh đó, thạc sĩ Toán Giải tích có khả năng tự học và tự nghiên cứu nâng cao trình độ; có năng lực tiếp tục theo học các CTĐT trình độ tiến sĩ trong và ngoài nước.
Thạc sĩ Toán Giải tích có khả năng chuyển đổi theo học các CTĐT thuộc ngành gần nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như khoa học dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, …
Tiêu chí tuyển sinh, quá trình đào tạo và điều kiện tốt nghiệp
- Yêu cầu đối với người dự tuyển:
a) Đã tốt nghiệp hoặc đã đủ điều kiện công nhận tốt nghiệp đại học (hoặc trình độ tương đương trở lên) ngành phù hợp; đối với chương trình định hướng nghiên cứu yêu cầu hạng tốt nghiệp từ khá trở lên hoặc có công bố khoa học liên quan đến lĩnh vực sẽ học tập, nghiên cứu;
Danh mục các ngành đào tạo đại học phù hợp
. Các ngành phù hợp:
Nhóm 1 | Nhóm 2 |
– Toán học
– Sư phạm Toán học |
– Toán học, Khoa học tính toán, Toán ứng dụng, Toán cơ, Toán tin, Thống kê
– Sư phạm Toán tin |
. Các học phần bổ sung:
Chuyên ngành xem xét CTĐT ngành đại học mà thí sinh đã học để quyết định các học phần bổ sung kiến thức mà thí sinh cần học, cụ thể danh mục học phần bổ sung gồm:
– Độ đo tích phân (03 tín chỉ)
– Giải tích hàm (03 tín chỉ)
– Mêtric và Tôpô (03 tín chỉ)
b) Có năng lực ngoại ngữ từ Bậc 3 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam;
c) Đáp ứng các yêu cầu khác của chuẩn chương trình đào tạo do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành và theo quy định của chương trình đào tạo.
2. Ứng viên dự tuyển là công dân nước ngoài nếu đăng ký theo học các chương trình đào tạo thạc sĩ bằng tiếng Việt phải đạt trình độ tiếng Việt từ Bậc 4 trở lên theo Khung năng lực tiếng Việt dùng cho người nước ngoài hoặc đã tốt nghiệp đại học (hoặc trình độ tương đương trở lên) mà chương trình đào tạo được giảng dạy bằng tiếng Việt; đáp ứng yêu cầu về ngoại ngữ thứ hai theo quy định của Trường Đại học Sài Gòn.
3. Đối với chương trình đào tạo được dạy và học bằng tiếng nước ngoài, ứng viên phải đáp ứng yêu cầu về ngoại ngữ, cụ thể khi có một trong những văn bằng, chứng chỉ sau đây:
a) Bằng tốt nghiệp trình độ đại học trở lên ngành ngôn ngữ sử dụng trong giảng dạy; hoặc bằng tốt nghiệp trình độ đại học trở lên mà chương trình được thực hiện chủ yếu bằng ngôn ngữ sử dụng trong giảng dạy;
b) Một trong các văn bằng hoặc chứng chỉ của ngôn ngữ sử dụng trong giảng dạy đạt trình độ tương đương Bậc 4 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam quy định tại Phụ lục của Quy chế này hoặc các chứng chỉ tương đương khác do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, còn hiệu lực tính đến ngày đăng ký dự tuyển.
Quá trình đào tạo
CTĐT được cấu trúc theo hệ thống tín chỉ. Quá trình đào tạo tuân theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Trường Đại học Sài Gòn. Thời gian đào tạo theo kế hoạch học tập chuẩn toàn khóa 02 năm đối với chính quy.
Điều kiện tốt nghiệp
Điều kiện để học viên được công nhận tốt nghiệp:
a) Đã hoàn thành các học phần của chương trình đào tạo và bảo vệ luận văn đạt yêu cầu;
b) Có trình độ ngoại ngữ đạt yêu cầu theo chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo trước thời điểm xét tốt nghiệp; được minh chứng bằng một trong các văn bằng hoặc chứng chỉ ngoại ngữ đạt trình độ tương đương Bậc 4 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam quy định tại Phụ lục của Quy chế Tuyển sinh và đào tạo trình độ Thạc sĩ của Trường Đại học Sài Gòn (Kèm theo Quyết định số 2351/QĐ-ĐHSG ngày 18/11/2021) hoặc các chứng chỉ tương đương khác do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, hoặc bằng tốt nghiệp trình độ đại học trở lên ngành ngôn ngữ nước ngoài, hoặc bằng tốt nghiệp trình độ đại học trở lên ngành khác mà chương trình được thực hiện hoàn toàn bằng ngôn ngữ nước ngoài;
c) Đã nộp luận văn được hội đồng đánh giá đạt yêu cầu trở lên, có xác nhận của người hướng dẫn và chủ tịch hội đồng về việc luận văn đã được chỉnh sửa theo kết luận của hội đồng, đóng kèm bản sao kết luận của hội đồng đánh giá luận văn và nhận xét của các phản biện cho Trường Đại học Sài Gòn để sử dụng làm tài liệu tham khảo tại thư viện và lưu trữ theo quy định;
d) Hoàn thành các trách nhiệm theo quy định của Trường Đại học Sài Gòn; không bị truy cứu trách nhiệm hình sự và không trong thời gian bị kỷ luật, đình chỉ học tập.